HTML là gì? Tại sao nên dùng HTML5?

Tác giả CCNACCNP, T.M.Hai 31, 2018, 02:53:44 CHIỀU

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

HTML là gì? Tại sao nên dùng HTML5?


Hàng ngày khi lướt web, bạn chắc cũng như tôi đã nghe rất nhiều về cụm từ HTML và cũng hình tượng mang máng trong đầu rằng đây là một cái gì đó tạo lên các trang web. Vậy HTML là gì?, HTML5 là gì? mà sao đi đâu cũng gặp vậy? Tôi biết chắc chắn rằng rất nhiều bạn đã có những hiểu biết nhất định về ngôn ngữ HTML nhưng không phải ai cũng biết tại sao lại phải có HTML và có những kiến thức rất thú vị khác ẩn sâu bên trong nó.

1. Ngôn ngữ HTML là gì?

Trước khi đi vào khái niệm về ngôn ngữ HTML, chúng ta cùng tìm hiểu về siêu văn bản (hypertext) là một định nghĩa quan trọng dẫn đến nguồn gốc của HTML.

1.1 Khái niệm siêu văn bản

Theo wiki, Hypertext (siêu văn bản) là văn bản hiển thị trên các màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử mà có thể tham chiếu đến văn bản khác. Các tài liệu siêu văn bản được kết nối với nhau thông qua các siêu liên kết (hyperlink), khi bấm chuột vào các liên kết này, các nội dung được gọi đến. Ngoài ra, Hypertext còn được sử dụng để miêu tả về các bảng dữ liệu, các hình ảnh hoặc các định dạng hiển thị được gắn với các siêu liên kết. Từ khóa Hypertext được sử dụng nhiều trong mạng toàn cầu World Wide Web (Internet) mà ở đó các trang được viết bằng ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML.


Như vậy bạn có thể thấy hai đặc tính quan trọng của siêu văn bản:

    Có liên kết với các văn bản khác
    Có sử dụng bảng biểu, hình ảnh và định dạng được nội dung (bôi đậm, tăng cỡ chữ tiêu đề, tô màu, cho in nghiêng...)

Siêu văn bản có mặt ở những đâu? Bạn thấy chúng hàng ngày trên các trang web nhưng không biết nó có tên là siêu văn bản, nội dung các trang web thường có liên kết, các bảng biểu, hình ảnh và đặc biệt là được định dạng để phân biệt được các nội dung tiêu đề, các đoạn văn bản... Siêu văn bản còn xuất hiện trong các file Microsoft Word, Excel... Đúng như cái tên siêu văn bản, các văn bản loại này có thể chứa đựng số lượng nội dung cực lớn, có thể quản lý nội dung bằng cách chia ra các trang và liên kết và hơn cả là nó giúp cho người đọc nhanh chóng hiểu được thông tin cần truyền đạt.

1.2 HTML tất yếu khách quan khi siêu văn bản là nhu cầu lớn

Trên đây, bạn đã biết được Siêu văn bản là gì? và Siêu văn bản dùng ở đâu? nhưng còn một câu hỏi nữa mà hẳn bạn còn thắc mắc Siêu văn bản được tạo ra bằng cách nào? Đó cũng chính là lý do sự ra đời của ngôn ngữ HTML viết tắt của cụm từ Hypertext Markup Language là ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản hay nói cách khác là ngôn ngữ để viết ra các siêu văn bản. HTML sử dụng các phần tử được gọi là thẻ (tag) để đánh dấu các khối nội dung, ví dụ để đánh dấu là tiêu đề chúng ta có các thẻ <h1>, <h2>..., để đánh dấu đoạn văn bản có thẻ <p>... Ngôn ngữ này sẽ được các trình duyệt đọc và hiển thị nội dung siêu văn bản lên màn hình chứ không phải mã nguồn sẽ được hiển thị.

1.3 HTML5 là gì?

HTML là gì chúng ta đã có câu trả lời, nhưng HTML5 là gì? hình như là phiên bản, đúng vậy HTML5 là HTML phiên bản 5 với nhiều cải tiến mới giúp cho việc tạo nội dung web đơn giản hơn và cũng giúp cho các bộ máy tìm kiếm dễ dàng hơn trong việc phân loại nội dung. Để hiểu rõ hơn HTML5 là gì chúng ta cùng lượt lại lịch sử phát triển ngôn ngữ HTML.

2. Lịch sử ra đời ngôn ngữ HTML

Ngôn ngữ HTML là một tất yếu khách quan khi nhu cầu thực tế cần rất nhiều các siêu văn bản. Chúng ta cùng lượt lại lịch sử quá trình phát triển của ngôn ngữ HTML để thấy được rằng ngay từ những nhu cầu thiết thực từ rất lâu rồi, người ta đã buộc phải nghĩ ra HTML để giải quyết nhu cầu đó.

2.1 HTML phiên bản 1.0

Năm 1980, nhà vật lý Tim Berners-Lee đã đề xuất kiểu mẫu ENQUIRE một hệ thống cho CERN phục vụ cho các nhà nghiên cứu sử dụng và chia  sẻ tài liệu. Đến 1989 Berners-Lee đã đề xuất phát triển một hệ thống siêu văn bản dựa trên Internet, năm sau đó 1990 ông bắt đầu đưa ra phác thảo về HTML và bắt đầu viết phần mềm trình duyệt và các phần mềm máy chủ.

Bản mô tả HTML đầu tiên với cái tên "Các thẻ HTML" được Tim Berners-Lê đề cập trên Internet vào cuối năm 1991. Nó mô tả 18 thành phần đầu tiên và tương đối đơn giản về HTML. Ngoại trừ thẻ siêu liên kết (hyperlink), các thẻ khác bị ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ SGML (Standard Generalized Markup Language) và 11 thẻ trong số chúng còn tồn tại cho đến phiên bản HTML 4.

Berners-Lee xem HTML như là một ứng dụng của SGML và HTML chỉ được thành tiêu chuẩn của Internet khi được IETF (Internet Engineering Task Force – Lực lượng quản lý Kỹ thuật) chính thức thông qua vào năm 1993.

2.2 HTML phiên bản 2.0 đến 4.01

Chúng ta sẽ sơ lược qua các phiên bản HTML từ phiên bản 2.0 đến 4.01 do các phiên bản này chủ được phát triển rất nhanh chóng nhưng ít được sử dụng do trong khoảng thời gian này, Internet thực sự chưa nở rộ như hiện nay. Năm 1995 phiên bản HTML 2.0 chính thức phát hành. Bỏ qua một số phiên bản phác thảo, hai năm sau đó 1997 phiên bản HTML 3.2 được chính thức sử dụng.

Internet được biết đến nhiều hơn và tốc độ phát triển các phiên bản vì thế cũng được tăng tốc, chỉ sau vài tháng, tháng 12 năm 1997 phiên bản HTML 4.0 được chính thức phát hành. Phiên bản này có thể nói là đã khá hoàn chỉnh và được chỉnh sửa đôi chút và ra mắt phiên bản HTML 4.01 năm 1999. Những năm đầu của thế kỷ 21, tốc độ phát triển mạng Internet rất kinh khủng, đặc biệt với những bong bóng .com ở thung lũng Silicon, các nước khác cũng bắt đầu tham gia Internet mạnh mẽ.

Phiên bản HTML 4.01 được sử dụng trong một thời gian dài cho đến tận năm 2008, nhu cầu có một phiên bản đáp ứng tốt hơn nữa không chỉ văn bản mà cả môi trường đa phương tiện, HTML 5 chính thức ra mắt.

2.3 Phiên bản mới nhất hiện nay HTML 5


Ý tưởng cơ bản của HTML là sử dụng các phần tử để xây dựng nội dung và ý tưởng này cũng đã thay đổi ngay từ những ngày đầu tiên của Web, thực tế các trang web lâu đời nhất vẫn hoạt động tốt trong các trình duyệt hiện đại nhất. Năm 1998, W3C đã dừng làm việc với HTML và cố gắng cải thiện bằng cách kết hợp sức mạnh của XML trong XHTML 1.0.

XHTML có rất nhiều các cú pháp giống với HTML nhưng nó áp đặt phải sử dụng nhiều các quy tắc nghiêm ngặt hơn. Các lỗi cú pháp cẩu thả trong HTML sẽ không được chấp nhận trong XHTML. Ví dụ: thay vì in nghiêng một chữ trong tiêu đề như đoạn mã sau:

<h1>Phiên bản HTML 5 là phiên bản mới nhất</h1>

Vô tình bạn có thể bị lỗi đánh máy và chuyển thành

<h1>Phiên bản HTML 5</h1> là phiên bản mới nhất

Khi trình duyệt gặp phải lỗi này, nó sẽ cố gắng tìm ra cách xử lý. Nó sẽ in đậm từ HTML 5 mà không cần phải hỏi thêm gì, tuy nhiên các thẻ không đúng vị trí này phá vỡ nguyên tắc trong XHTML và nó sẽ cảnh báo các lỗi này. Sự nghiêm ngặt của XHTML cho phép bạn biết những lỗi xảy ra, có thể gây ra sự hiển thị sai kết quả trên các trình duyệt khác nhau. XHTML với khả năng tương tác các công cụ XML giúp xử lý trang dễ dàng hơn với các ứng dụng tự động và khả năng mở rộng đã được các nhà phát triển nghiêm túc nhìn nhận và đưa vào HTML phiên bản 5.

Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2004, những hạn chế của HTML đã được xem xét, thay vì cố gắng phân loại lỗi, các nhà phát triển muốn tập trung vào những tính năng còn thiếu. Với việc bổ sung thêm Javascript, HTML như mọc thêm cánh, các thư viện Javascript trở lên phổ biến và các module được hỗ trợ trên máy chủ web.

Một nhóm các nhà phát triển trình duyệt bao gồm hai công ty đứng đầu là Opera Software và Mozilla Foundation đã vận động giới thiệu XHMTL đến các nhà phát triển, tuy nhiên ý tưởng này thất bại và Opera, Mozilla và Apple hình thành WHATWG – Nhóm phát triển công nghệ ứng dụng web siêu văn bản để tìm đến một giải pháp mới và HTML 5 ra đời.

3. Nguyên lý xây dựng và phát triển HTML5

Trong lịch sử phát triển ngôn ngữ HTML đã trải qua rất nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng trừng HTML đã đi vào ngõ cụt và có thể bị thay thế bởi một ngôn ngữ khác. Các nhà phát triển đã cùng nhau ngồi lại, xử lý những tồn tại và đúc kết kinh nghiệm thành những triết lí không thể thay đổi tạo ra những phiên bản HTML mới ổn định, hỗ trợ người dùng tốt hơn. HTML5 có một loạt các phương châm thiết kế mới, chúng ta sẽ xem xét những gì mới mẻ nhất trong phiên bản này.

3.1 Tương thích với các trang web đang tồn tại

Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn HTML5 không làm các trang web khác trước đây dừng hoạt động, nó không thay đổi các quy tắc và các xử lý tuy lỗi thời nhưng vẫn hiệu quả. Điều này không có trong các ngôn ngữ suýt thay thế HTML như XHTML 2, với XHTML2 yêu cầu một sự thay đổi ngay lập tức nếu các trang web viết gặp các lỗi chính tả, cú pháp. Các trang web cũ vẫn cần hoạt động, thật may là sự tương thích ngược đã được xây dựng sẵn trong các trình duyệt khi nó tuân thủ chuẩn HTML5.

HTML5 hỗ trợ tất cả các phiên bản HTML trước đó, ví dụ như thẻ <font> hay các thẻ hiệu ứng đặc biệt như <blink>, <marquee>... Tính mở trong HTML5 làm những người mới lập trình khó hiểu, một mặt nó cấm các thẻ đã lỗi thời, các thẻ này đã không còn xuất hiện trong đặc tả của phiên bản nhưng mặt khác, các trình duyệt hiện đại vẫn hỗ trợ ngầm các thành phần này. Vậy tiêu chuẩn mới để làm gì? Mọi thứ đều có lý của nó, ẩn sâu trong đặc tả phiên bản HTML 5 là hai phần riêng biệt:

    Phần đầu tiên nhắm đến các lập trình viên web, họ cần tránh những thói quen xấu và những thành phần lỗi thời đã bị loại bỏ. Có nhiều công cụ xác thực xem các đoạn mã bạn viết có thực sự tuân thủ theo tiêu chuẩn HTML 5.

    Phần thứ hai đặc tả HTML 5 nhắm đến các hãng phát triển trình duyệt web, trình duyệt cần hỗ trợ mọi thứ đã từng tồn tại trong HTML để có khả năng tương thích ngược với các nội dung đã tồn tại trước đây. Về mặt tư tưởng, HTML 5 cần có đủ các thông tin để bất kỳ ai có thể xây dựng trình duyệt từ đầu và hoàn toàn tương thích với tất cả các trình duyệt hiện đại hiện nay, cho dù nội dung được viết bởi phiên bản HTML nào đi chăng nữa.

3.2 Đáp ứng các kỹ thuật dở hơi nhưng được nhiều người dùng

HTML5 chuẩn hóa các kỹ thuật không chính thức nhưng được sử dụng rộng rãi trước đây do các kỹ thuật mới có thể vượt quá khả năng hoặc các lập trình viên không thích sử dụng. Đôi khi, các kỹ thuật mới có thể không hoạt động với người truy cập sử dụng các trình duyệt cũ. XHTML 2 đã cố gắng hạn chế người dùng khỏi lối mòn và kết quả là tiêu chuẩn này thất bại một cách thảm hại. Cách tiếp cận này cũng cần có một số thỏa hiệp ngầm, đôi khi nó giữ lại một tính năng được hỗ trợ rộng rãi nhưng được thiết kế chưa tốt. Ví dụ về tính năng kéo thả của HTML5 dựa vào đặc tả có sẵn của Microsoft cho IE 5 mặc dù tính năng này hiện được hỗ trợ trong tất cả các trình duyệt nhưng nó quá "vụng về" và phức tạp.

3.3 Giải quyết các nhu cầu thực tế

Số lượng các ứng dụng web ngày càng gia tăng (ứng dụng web là những ứng dụng có hành vi giống như với ứng dụng chạy trên hệ điều hành) thay vì là nội dung các tài liệu siêu văn bản. Ví dụ như các ứng dụng xử lý văn bản trực tuyến (Google Docs), công cụ vẽ các biểu đồ (ví dụ như   Đăng nhập để xem liên kết là một công cụ mình rất hay dùng để vẽ các biểu đồ cho bài viết trong   Đăng nhập để xem liên kết), ứng dụng bản đồ, ứng dụng xem video trực tuyến (Youtube)... HTML4 với sự hỗ trợ của Javascript đã rất mạnh mẽ nhưng bị hạn chế bởi những tính năng đã tới hạn.

HTML5 đã khắc phục được các hạn chế, nó đưa thêm vào các API DOM giúp cho khả năng phục vụ đa phương tiện tốt hơn mà không cần phải quá phụ thuộc vào các tiêu chuẩn độc quyền Adobe Flash hoặc Microsoft Silverlight. Youtube trang web chia sẻ video lớn nhất hiện nay đã có những thời điểm phải phụ thuộc rất nhiều vào Adobe Flash, cũng không có vấn đề gì khi các trình duyệt đều cài Flash Player nhưng có những khó khăn khi có những máy tính bị khóa không cho phép sử dụng Flash hoặc cũng có những thiết bị không hỗ trợ Flash như iPhone, iPad, Kindle...

4. Công cụ viết code HTML

Ngôn ngữ HTML có thể được viết bằng bất kỳ công cụ soạn thảo văn bản nào, ngay cả trình soạn thảo cơ bản của hệ điều hành Windows là NotePad cũng có thể được sử dụng. Để lựa chọn được công cụ viết code HTML phù hợp chúng ta cùng xem xét một số vấn đề khi viết mã HTML:

    Ngôn ngữ HTML có khá nhiều các thành phần được gọi là thẻ, với những bạn mới làm quen có thể không nhớ được hết cú pháp, nếu trình soạn thảo cho phép gợi ý các thẻ, tự động tạo thẻ mở và thẻ đóng thì quá trình viết code sẽ đơn giản hơn.

    Các trang web ngày càng có nhiều nội dung và mã nguồn của chúng cũng ngày càng dài ra, có những code HTML dài đến cả vài nghìn dòng, nếu trình soạn thảo không hiển thị các thẻ theo các màu sắc khác nhau (highlight code) hoặc có thể ẩn hiện các đoạn mã theo khối thì việc viết code là rất khó khăn.
    Từ mã HTML đến kết quả các nội dung hiển thị trên trình duyệt là rất khó để tưởng tượng ra, những người có kinh nghiệm viết code lâu năm mới làm được, đôi khi chúng ta cần xem ngay lập tức kết quả của đoạn mã HTML để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu trình soạn thảo mã nguồn HTML có thể xem kết quả ngay lập tức khi viết mã là điều tuyệt vời.

Có rất nhiều các công cụ viết code HTML có thể xử lý được các vấn đề gặp phải khi lập trình, chúng có thể chia thành các nhóm như sau:

    Lightweight editor: là trình soạn thảo có thể chạy rất nhẹ nhàng, kể đến như NotePad++, Sublime Text.
    IDE: môi trường phát triển tích hợp, ví dụ PHP Storm, Dreamweaver CC

5. Các thuật ngữ khác liên quan đến HTML

Ngôn ngữ HTML là rất quan trọng trong một trang web, nó là bộ khung cho một trang web, tuy nhiên bên cạnh HTML cũng có nhiều các ngôn ngữ, thành phần khác giúp cho trang web trở lên sống động.

5.1 Các ngôn ngữ kết hợp với HTML xây dựng website sống động


Từ những ngày đầu xuất hiện, các website chủ yếu cung cấp thông tin cho người dùng, khi đó người dùng lướt web trên các máy tính với trình duyệt web. Khi điện thoại di động phát triển, cách trình bày cũ không còn phù hợp do màn hình điện thoại khá bé, muốn xem các website theo cách cũ phải phóng lên rất bất tiện. "Khẩu vị" của người dùng cũng đang dần thay đổi, những món ăn cũ cần được trình bày đẹp mắt hơn, dễ dàng khai thác nội dung hơn. Để thực hiện được những yêu cầu này, ngoài việc trình bày nội dung đơn thuần, chúng ta cần sử dụng các ngôn ngữ khác như CSS, Javascript để bổ trợ thêm, nâng cao trải nghiệm cho người dùng.

Trong hình là các lớp trong một trang web, chúng ta thấy rằng HTML là lớp cơ bản nhất để tạo ra nội dung của một trang web, không có HTML chúng ta không thể viết ra các trang web, do vậy có thể nói rằng HTML là thành phần quan trọng nhất của trang web nói riêng và của cả internet nói chung.

Ngôn ngữ CSS

Khi nội dung đã đầy đủ, chúng ta muốn cải thiện hình thức hiển thị giúp cho người dùng có thể nhanh chóng tìm thấy các thông tin cần thiết và CSS giúp bạn thực hiện việc đó. CSS viết tắt của cụm từ Cascading Style Sheets là một ngôn ngữ dùng để miêu tả cách trình bày các tài liệu HTML.

Hiện tại, có rất nhiều các framework CSS và công việc của bạn đơn giản hơn rất nhiều là lựa chọn, tích hợp và sử dụng các framework này. Thay vì phải ngồi thiết kế và viết code cho các thành phần của trang web, các framework CSS đã "trang điểm" sẵn các thành phần và công việc còn lại của bạn là sử dụng sao cho phù hợp. Một số các CSS framework nổi tiếng hiện nay là Bootstrap, Bulma, Foundation... có dịp chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các framework này.

Ngôn ngữ Javascript

Cải thiện về hình thức cũng chưa đủ, chúng ta muốn người dùng phải tương tác được với các nội dung, ví dụ khi người dùng đọc xong nội dung có thể đánh giá nội dung, bình luận nội dung hoặc chia sẻ nội dung đến bạn bè... Javascript là ngôn ngữ cần thiết để thực hiện các công việc tương tác hoặc các tính toán thêm ở phía máy người dùng. Javascript hiện nay đã được đổi tên thành ECMAScript do thực tế tiêu chuẩn cho ngôn ngữ kịch bản xuất phát từ tiêu chuẩn ECMA-262 của tổ chức ECMA International, tiêu chuẩn này đã tạo ra Javascript và một số ngôn ngữ khác như JScript, ActionScript. Ngôn ngữ Javascript từ thủa ban đầu có tên là Mocha, sau đó được đổi tên thành Livescript và cuối cùng là Javascript. Lúc đầu JavaScript lấy tên từ Java và "cha đẻ" của JavaScript chính là Brendan Eich – người được yêu cầu phát triển một ngôn ngữ giống như Java cho trình duyệt web Netscape. Sau khi ngôn ngữ mới được tạo ra, nhóm marketing của Netscape đã yêu cầu Sun cho phép họ đặt tên ngôn ngữ là JacvaScript để làm chương trình quảng cáo, đó cũng chính là lý do mà tại sao hầu hết người dùng chưa sử dụng JavaScript bao giờ nghĩ rằng JavaScript có liên quan đến Java. Sau này vì lý do bản quyền, Javascript đã được gọi bằng cái tên ECMAScript và hiện nay nó đang dừng ở phiên bản ES7 (ECMAScript 2016).

Cũng như CSS, Javascript hiện nay có rất nhiều các framework được sử dụng rất nhiều như Vue.js, React.js, Angular.js... các framework này giúp xây dựng lên những ứng dụng web nổi tiếng như Facebook, Youtube, Gmail... Nếu bạn đã có kiến thức cơ bản về HTML, Javascript bạn có thể chuyển sang Khóa học Vue.js miễn phí để bắt đầu các dự án website của mình luôn.

Công nghệ WAI-ARIA

Đôi khi các thành phần điều khiển giao diện người dùng (User Interface Controller) phức tạp có thể chứa bên trong các thẻ HTML không có ngữ nghĩa, nó làm cho các đoạn mã Javascript sử dụng để cập nhật nội dung động rất khó để nhận diện và xử lý. WAI-ARIA là một công nghệ giúp giải quyết vấn đề này, nó thêm vào các thông tin ngữ nghĩa giúp cho trình duyệt và các công nghệ liên quan có thể nhân diện và sử dụng các thông tin này.

Trong HTML5, có thêm rất nhiều các thành phần thẻ có ngữ nghĩa để định nghĩa các thành phần khác nhau của trang, ví dụ <nav> định nghĩa phần menu, <header> định nghĩa nội dung đầu trang, <footer> định nghĩa phần thông tin cuối trang... Trước khi có các thẻ này, các lập trình viên thường sử dụng thẻ <div> kết hợp với thuộc tính id hoặc class để định nghĩa các thành phần trang, tuy nhiên chúng không có ngữ nghĩa và không có cách thức dễ dàng tìm các thành phần riêng này.
WAI-ARIA là một tập hợp các đặc tả được viết bởi W3C định nghĩa các thuộc tính HTML được thêm vào, nó có thể áp dụng cho các thành phần để thêm ngữ nghĩa và tăng cường khả năng truy xuất đến các thành phần này. Có 3 nhóm tính năng chính trong đặc tả:

    Roles: định nghĩa thành phần HTML là gì, ví dụ <div role="banner">, <div role="search">...
    Properties: Định nghĩa thuộc tính các thành phần, sử dụng để tăng cường thêm ngữ nghĩa cho các thành phần thẻ HTML, ví dụ <input type="text" aria-required="true"> thì thuộc tính aria-required để xác định việc nhập liệu trong ô nhập liệu là bắt buộc.
    States: là các thuộc tính đặc biệt định nghĩa điều kiện của thành phần HTML, ví dụ <input type="text" aria-disabled="true"> giúp thông báo việc hiển thị form nhập liệu đang bị khóa.

Điểm quan trọng là các thuộc tính WAI-ARIA không ảnh hưởng đến những thứ khác trong trang web cũng như không ảnh hưởng đến cấu trúc trang web, các thông tin cung cấp thêm có thể được sử dụng hỗ trợ cho CSS và Javascript.

5.2 Các thuật ngữ liên quan đến phân phối nội dung HTML

Liên quan đến phân phối nội dung các trang web trên mạng Internet chúng ta có rất nhiều các thuật ngữ khác có liên quan đến HTML:

Phân loại trang web:

  • Trang web tĩnh (static web page) là trang web được phân phối đến người dùng một cách chính xác như nội dung nó lưu trữ trên máy chủ web. Thủa sơ khai của Internet, hầu hết các website là tập hợp của nhiều các trang tĩnh. Nội dung các trang gần như không thay đổi theo thời gian, mỗi khi cần thay đổi bắt buộc phải sửa mã HTML.
  • Trang web động (dynamic web page) là các trang web có nội dung được điều khiển bởi các ứng dụng máy chủ xử lý các kịch bản phía máy chủ, với các tham số đầu vào khác nhau, nội dung trang được đưa đến cho người dùng cũng khác nhau.
  • Máy chủ web (web server) là các máy chủ chạy các ứng dụng cung cấp dịch vụ web, khi bạn mở trình duyệt và gõ vào một địa chỉ trang web, yêu cầu này sẽ được gửi đến các máy chủ web và nội dung trang web phù hợp sẽ được gửi trả lại.
  • Web hosting là nơi chứa các trang web, nó là một khu vực logic hoặc vật lý nằm trên máy chủ web. Một máy chủ web có thể chứa nhiều web hosting cho các website khác nhau.
  • Tên miền (domain name) là tên gợi nhớ cho một địa chỉ web. Bản chất các website là các máy chủ (máy tính) hoạt động trong mạng IP với các địa chỉ có dạng a.b.c.d trong đó a,b,c,d nằm trong dải từ 0 đến 255. Ví dụ website   Đăng nhập để xem liên kết có địa chỉ IP là 45.32.23.201, thay vì phải nhớ địa chỉ 45.32.23.201 rất khó nhớ, người ta đặt tên cho địa chỉ này và nó chính là tên miền   Đăng nhập để xem liên kết.
  • Giao thức truyền tải siêu văn bản (https-Hypertext Transfer Protocol): như bạn đã biết khái niệm siêu văn bản (hypertext) trong phần 1, để tạo ra các siêu văn bản người ta dùng HTML, để phân phối siêu văn bản viết bằng HTML này đến người dùng người ta sử dụng giao thức https. Các nội dung truyền tải siêu văn bản thông qua https là ở dạng văn bản thông thường, do đó có nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu trên đường truyền dẫn, để an toàn hơn tiêu chuẩn httpsS ra đời, các văn bản được mã hóa trước khi truyền dẫn. httpsS hiện nay là giao thức được khuyến cáo sử dụng cho mọi trang web nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin.
  • Ngôn ngữ kịch bản máy chủ: là ngôn ngữ có thể chạy trên các ứng dụng máy chủ để tạo ra các trang web động, hiện nay có rất nhiều các ngôn ngữ kịch bản máy chủ như PHP,   Đăng nhập để xem liên kết, JSP... PHP là ngôn ngữ hiện được sử dụng nhiều nhất để xây dựng các website trên mạng Internet và không cần thiết phải xây dựng hệ thống từ những dòng code cơ bản, có rất nhiều các framework PHP giúp cho việc xây dựng website hoặc ứng dụng web một cách nhanh chóng, ví dụ Laravel, Symfony, Zend, PHPCake... Bạn có thể tham khảo Khóa học tạo website nhanh chóng với framework Laravel nếu kiến thức cơ sở của bạn đã vững vàng.

6. Lời kết

HTML là ngôn ngữ quan trọng khi lập trình website, có thể qua bài viết này bạn chưa nhận ra điều đó nhưng ít nhất bạn cũng đã có câu trả lời cho Ngôn ngữ HTML là gì?, Tại sao dùng HTML5? Trong những bài tiếp theo của Khóa học HTML5 cơ bản, các kiến thức về HTML sẽ được giới thiệu. Các kiến thức HTML, CSS, Javascript là những viên gạch để xây lên bất kỳ website nào, bạn đã sẵn sàng tìm hiểu các kiến thức tiếp theo chưa.