Routing là gì ?

Tác giả tenten, T.Mười 11, 2013, 01:32:49 CHIỀU

« Chủ đề trước - Chủ đề tiếp »

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Routing là gì?


I. Giới thiệu.

Định tuyến đơn giản chỉ là tìm đường đi từ mạng này đến mạng khác. Thông tin về những con đường này có thể là được cập nhật tự động từ các Router khác nhau hoặc là do người quản trị mạng chỉ định cho Router. Người quản trị mạng khi chọn lựa một giao thức định tuyến động cần cân nhắc một số yếu tố như: độ lớn của hệ thống mạng, băng thông các đường truyền, khả năng của Router, loại Router và phiên bản Router, các giao thức đang chạy trong hệ thống mạng.

Router là thiết bị trong mạng có vai trò kết nối, định tuyến và vận chuyển dữ liệu từ mạng này sang mạng khác. Router còn có chức năng ngăn chặn các gói tin Broadcast giữa các mạng.

Router có hai loại:

  • Hardware Router: Thiết bị phần cứng chuyên dụng dùng làm Router. Hiện có các hãng nổi tiếng như Cisco, Juniper...
  • Software Router: Là phần mềm được cài vào máy tính để hoạt động như một Router. Chẳng hạn như Routing and Remote Access trên các hệ điều hành Windows Server.

II. Nguyên lý dẫn đường của Router.

Đường đi trên Router gồm các yếu tố sau:

  • Interface: Gói tin đi ra bằng cổng nào, card mạng nào trên router.
  • Destination, Network mask: Gói tin sẽ đi tới mạng nào.
  • Gateway: Địa chỉ IP của router kế tiếp trên đường đi.
  • Metric: mức độ ưu tiên.

III: Định tuyến động.

1. Giới thiệu về giao thức định tuyến động.

Giao thức định tuyến được sử dụng để giao tiếp giữa các router với nhau. Giao thức định tuyến cho phép router này chia sẻ các thông tin định tuyến mà nó biết cho các router khác. Từ đó, các router có thể xây dựng và bảo trì bảng định tuyến của nó.

Sau đây là một số giao thức định tuyến:

  • Routing information Protocol(RIP)
  • Interior Gateway Routing Protocol(IGRP)
  • Enhanced Inteior Gateway Routing Protocol(EIGRP)
  • Open Shortest Path First(OSPF)

2. Đặc điểm chính của RIP.

  • Là giao thức định tuyến theo vectơ khoảng cách.
  • Sử dụng số lượng hop để làm thông số chọn đường đi.
  • Nếu số lượng hop để tới đích lớn hơn 15 thì gói dữ liệu sẽ bị huỷ bỏ.
  • Cập nhật theo định kỳ mặc định là 30 giây.

3. Cấu hình RIP.

Để cấu hình giao thức định tuyến RIP, cần cấu hình trong chế độ cấu hình toàn cục và cài đặt các đặc điểm định tuyến.

Đầu tiên, tại chế độ cấu hình toàn cục, cần khởi động giao thức định tuyến RIP bằng lệnh sau.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config)#router rip
Sau đó, trong chế độ cấu hình định tuyến, công việc chính là khai báo địa chỉ IP. Định tuyến động thường sử dụng Broadcst và Multicast để trao đổi thông tin giữa các router. Router sẽ dựa vào thông số định tuyến để chọn đường tốt nhất tới từng mạng đích.

Lệnh router dùng để khởi động giao thức định tuyến. Lệnh network dùng để khai báo các cổng giao tiếp trên router mà chúng ta muốn giao thức định tuyến gửi và nhận các thông tin cập nhật về định tuyến như sau.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config-router)#network địa_chỉ_mạng
Trong đó địa chỉ mạng khai báo trong câu lệnh network là địa chỉ mạng theo lớp A, B, hoặc C chứ không phải là địa chỉ mạng con subnet hay địa chỉ host riêng lẻ.

IV. Định tuyến tĩnh.

1. Giới thiệu về định tuyến tĩnh.

Định tuyến là quá trình mà router thực hiện để chuyển gói dữ liệu tới mạng đích. Tất cả các router dọc theo đường đi đều dựa vào địa chỉ IP đích của gói dữ liệu để chuyển gói theo đúng hướng đến đích cuối cùng. Để thực hiện được điều này, router phải học thông tin về đường đi tới các mạng khác. Nếu router chạy định tuyến động thì router tự động học những thông tin này từ các router khác. Còn nếu router chạy định tuyến tĩnh thì người quản trị mạng phải cấu hình các thông tin đến các mạng khác cho router.

Đối với định tuyến tĩnh, các thông tin về đường đi phải do người quản trị mạng nhập cho router. Khi cấu trúc mạng có bất kỳ thay đổi nào thì chính người quản trị mạng phải xoá hoặc thêm các thông tin về đường đi cho router. Những loại đường đi như vậy gọi là đường đi cố định. Đối với hệ thống mạng lớn thì công việc bảo trì mạng định tuyến cho router như trên tốn rất nhiều thời gian. Còn đối với hệ thống mạng nhỏ, ít có thay đổi thì công việc này đỡ mất công hơn. Chính vì định tuyến tĩnh đòi hỏi người quản trị mạng phải cấu hình mọi thông tin về đường đi cho router nên nó không có được tính linh hoạt như định tuyến động. Trong những hệ thống mạng lớn, định tuyến tĩnh thường được sử dụng kết hợp với giao thức định tuyến động cho một số mục đích đặc biệt.

2. Hoạt động của định tuyến tĩnh.

Hoạt động của định tuyến tĩnh có thể chia ra làm 3 bước như sau:

  • Đầu tiên, người quản trị mạng cấu hình các đường cố định cho router.
  • Router cài đặt các đường đi này vào bảng định tuyến.
  • Gói dữ liệu được định tuyến theo các đường cố định này.

Người quản trị mạng cấu hình đường cố định cho router bằng lệnh ip route. Cú pháp của lệnh ip route.

3. Cấu hình đường cố định.

Sau đây là các bước để cấu hình đường cố định:

  • Xác định tất cả các mạng đích cần cấu hình, subnet mask tương ứng và gateway tương ứng. Gateway có thể là địa chỉ của trạm kế tiếp để đến được mạng đích.
  • Vào chế độ cấu hình toàn cục của router.
  • Nhập lệnh ip route với địa chỉ mạng đích, subnet mask tương ứng và gateway tương ứng mà bạn đã xác định ở bước 1.
  • Lặp lại bước 3 cho những mạng đích khác.
  • Thoát khỏi chế độ cấu hình toàn cục.

V. Thực hiện.

Mình sẽ tiến hành static routing cho sơ đồ mạng đơn giản sau.

Xét sơ đồ mạng trên, chiều từ PC0->PC1, ta thấy net đích là 192.168.102.0. Chú ý là mạng chứ không phải là địa chỉ IP của PC1. Gói tin đi ra từ interface có địa chỉ IP là 192.168.101.1/24 và địa chỉ IP kế tiếp mà gói tin sẽ gặp trên đường đi là 192.168.101.2/24. Nên trên Router0 ta có câu lệnh sau.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config)#ip route 192.168.102.0 255.255.255.0 192.168.101.2
Tương tự chiều ngược lại, trên router1 chúng ta có lệnh sau.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config)#ip route 192.168.100.0 255.255.255.0 192.168.101.1
Và bây giờ PC0 và PC1 đã có thể ping thấy nhau.

Đối với routing bằng rip, thì công việc sẽ đơn giản hơn, chúng ta chỉ cần xác định network nào đang nối trực tiếp với router là có thể tiến hành rip được rồi. Như trong sơ đồ trên, ta thấy Router0 nối trực tiếp với 2 network là 192.168.100.0 và 192.168.101.0. Nêu câu lệnh sẽ là.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config-router)#net   

Router(config-router)#network 192.168.100.0   

Router(config-router)#network 192.168.101.0

Tương tự, Router1 nối trực tiếp với 2 network là 192.168.101.0 và 192.168.102.0 nên câu lệnh là.

Mã nguồn [Chọn]
Router(config-router)#net   

Router(config-router)#network 192.168.101.0   

Router(config-router)#network 192.168.102.0

Thử lại bằng lệnh ping, cũng cho kết quả tương tự.

Qua bài này, chúng ta đã hiểu được cơ bản về routing, cách thiết lập network trên router Cisco. Trong bài tiếp mình sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện routing trên Software Router, thông qua ứng dụng của Windows Server 2008.